Lịch sử Chỉ_dẫn_địa_lý

Chỉ dẫn nguồn gốc và tên gọi xuất xứ hàng hóa

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý được bắt đầu ở Pháp vào đầu thế kỷ 20 với những vấn đề liên quan tới hai thuật ngữ “chỉ dẫn nguồn gốc” (Indication of source) và “tên gọi xuất xứ hàng hoá” (Appllations of orgin).[3]

Thuật ngữ “chỉ dẫn nguồn gốc” xuất hiện sớm nhất, từ xa xưa, được hình thành từ việc gắn các dấu hiệu trên sản phẩm để phân biệt sản phẩm hàng hoá trong quá trình lưu thông trên thị trường. Những dấu hiệu này xác định được người tạo ra sản phẩm, cũng có thể xác định nơi tạo ra sản phẩm. 

Chỉ dẫn nguồn gốc được đề cập đầu tiên trong Công ước Paris (1883) về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tuy nhiên vẫn chưa rõ khái niệm và dấu hiệu của chỉ dẫn nguồn gốc. Đến năm 1981, thoả ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa quốc tế đã quy định về chỉ dẫn nguồn gốc khá rõ: “Bất kì sản phẩm nào mang chỉ dẫn sai lệch và lừa dối mà qua đó, một trong số các quốc gia thành viên của thoả ước Madrid hoặc một địa điểm tại nước đó được chỉ dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp là nước hoặc địa điểm xuất xứ hàng nhập khẩu vào bất kì quốc gia thành viên nào của thảo ước đều bị tịch thu”. Đến đây, chỉ dẫn nguồn gốc mới chỉ quy định là dấu hiệu chỉ dẫn chính xác về một quốc gia hoặc một địa điểm trong một quốc gia mà tại đó, hàng hoá được tạo ra, chứ chưa có khái niệm rõ ràng, và cũng chưa xuất hiện thuật ngữ "chỉ dẫn địa lý".[4] 

Thuật ngữ “xuất xứ hàng hoá” cũng xuất hiện lần đầu tiên trong công ước Paris. Mãi đến năm 1958, khi hiệp định Lisbon về bảo hộ và đăng ký quốc tế tên gọi xuất xứ hàng hoá ra đời mới đưa ra khái niệm về tên gọi xuất xứ hàng hoá. Điều 2 của hiệp định nêu rõ “Tên gọi xuất xứ hàng hoá là tên địa lý của nước, khu vực hoặc vùng lãnh thổ dùng để chỉ đẫn cho sản phẩm bắt nguồn từ khu vực đó, có chất lượng hoặc những tính chất đặc thù riêng biệt xuất phát từ môi trường địa lý, bao gồm yếu tố tự nhiên và con người”.

Cũng theo hiệp định Lisbon, tên gọi xuất xứ hàng hoá đảm bảo bốn điều kiện: tên gọi xuất xứ hàng hoá là tên gọi của một khu vực địa lý hoặc một quốc gia cụ thể; tên gọi xuất xứ hàng hoá phải có chức năng chỉ dẫn về nguồn gốc hàng hoá; hàng hoá mang tên gọi xuất xứ hàng hoá phải có chất lượng, tích chất đặc thù riêng; chất lượng và tính chất đặc thù phải có mối liên hệ với môi trường địa lý.  

Chỉ dẫn địa lý

Đến năm 1994, thuật ngữ "chỉ dẫn địa lý" (geographical indications) mới chính thức xuất hiện trên cơ sở "chỉ dẫn nguồn gốc" và "tên gọi xuất xứ hàng hóa", được quy định tại khoản 1 điều 22 hiệp định TRIPs: “chỉ dẫn địa lý là những chỉ dẫn về hàng hoá bắt nguồn từ lãnh thổ của một thành viên hoặc từ khu vực hay địa phương thuộc lãnh thổ đó, có chất lượng, uy tín hoặc đặc tính nhất định chủ yếu do xuất xứ địa lý”.[5][6]   

Hiệp định TRIPS về những vấn đề liên quan đến thương mại của Quyền Sở hữu Trí tuệ được ban hành, đã thiết lập các tiêu chuẩn để quy định về bảo hộ và thực thi sở hữu trí tuệ quốc tế, xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu đối với chỉ dẫn địa lý. Từ đây, bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã thừa nhận trên phạm vi quốc tế.  

Một sản phẩm, dịch vụ hàng hóa được coi là chỉ dẫn địa lý phải đạt được ba điều kiện sau:

  • Có dấu hiệu (bao gồm từ ngữ, hình ảnh…) để chỉ ra được sản phẩm đó mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ bắt nguồn từ lãnh thổ của quốc gia nào hoặc thuộc khu vực địa phương nào của lãnh thổ quốc gia đó.
  • Có nguồn gốc từ quốc gia hoặc từ khu vực, địa phương mà hàng hoá đó được xác định mang chỉ dẫn địa lý.
  • Có chất lượng, uy tín hoặc đặc tính nhất định chủ yếu do quốc gia hay khu vực địa phương đã được chỉ dẫn là nơi hàng hoá bắt nguồn quy định.